Miomie

Tản mạn vu vơ

Vu vơ

Tuổi trẻ gào thét

Đọc lại những dòng chữ thời hai mươi, nhìn thấy một bầu trời gào thét trong đó.

Gào thét cái gì nhỉ?

Chủ yếu là tự do.

– Tự do khỏi ý kiến của người khác (cha mẹ, người thân)

– Tự do khỏi tiêu chuẩn của đám đông (ngoan hiền, học giỏi, công việc ổn định lương cao)

– Tự do khỏi truyền thống (con cái/người nhỏ không được nói lại cha mẹ/người lớn)

Dạo đó ai chúc mình thành công là mình khó chịu trong lòng lắm. Trời ơi, chính tôi còn chưa biết tôi muốn cái gì mà cứ hở ra lại thành công là thành công thế nào. Mà tại sao sống là phải thành công cơ chứ.

Rồi hễ ai nói gì đó với mình là mình nghĩ ngay rằng họ đang áp đặt tư tưởng của họ lên mình. Những hệ giá trị cũ kỹ, lỗi thời, chẳng ăn nhập gì với tính cách, nguyện vọng của bản thân. Mình mà nghe theo là chỉ có đâm đầu vào ngõ cụt. Tàn một đời hoa. Xong một kiếp bướm. Thế là mình uất hận, bức bối ghê lắm. Mà theo chuẩn mực cư xử chẳng biết được tiêm nhiễm từ đâu vào mình thì loại cảm xúc đó không nên tồn tại. Nếu có thì phải gói ghém vào trong, không bao giờ được bộc lộ ra nha. Bề ngoài mình vẫn cứ ôn hòa ngọt ngào mong manh y như cái dáng vẻ 42 kg gió thổi muốn bay lúc đó vậy.

Nên là ban ngày vui vẻ tươi cười xong tối về lên cơn trầm cảm khóc lóc đầm đìa, mất ngủ triền miên. Rồi thì sáng ra lại đau đầu, đau khớp, thuốc uống cả nắm. Hồi đó định nghĩa hạnh phúc của mình chỉ là một ngày không còn phải đưa vào cơ thể bất cứ loại chất hóa học nào nữa mà thôi. Đêm uống thuốc ngủ, sáng uống thuốc thức, trưa trưa xế xế thuốc giảm đau.

Mãi sau này mình mới ngộ ra rằng những người bên ngoài ta chỉ có khả năng tư duy, khát vọng, quan tâm đến những điều thuộc về bản thân họ và hành động hướng tới sự thoả mãn những tư duy, khát vọng, quan tâm đó mà thôi. Những điều người khác nói với mình, cho dù là không có chủ ngữ hay bắt đầu bằng “con/ cháu/ em nên …blah blah …” thì cũng chẳng liên quan tới mình lắm. Mọi người chỉ vu vơ thế thôi. Nói để mà có chuyện nói. Bật ra những điều vụt qua tâm trí họ lúc đó.

Gần đây biết được một cuốn sách có tên là Bốn thỏa ước (The four agreements – Don Miguel Ruiz), trong đó tác giả đã điểm huyệt trúng phóc vấn đề thời trẻ (trâu) này của mình. Hóa ra hồi đó mình đã vi phạm trầm trọng một nguyên tắc thiết yếu trong việc đạt tới sự tự do tinh thần. Đó là “Không vơ mọi chuyện vào mình”, nói khác đi là không ngộ nhận.

———

Có một sự thật là, từ khi rời khỏi VN căn bệnh viêm khớp của mình cũng biến mất luôn.

Share this:

3 Comments

  1. DoryN

    May 5, 2024 at 8:55 am

    Há há, v mới có cái gọi là quarter life crisis đó chị. Cứ nghĩ là ngta đang muốn mình như vậy, đặt áp lực lên mình, nhưng làm gì có ai thực sự quan tâm những gì họ nói ra với mình. Chỉ là thói quen như câu chuyện đầu môi thôi.

    1. DoryN

      May 5, 2024 at 10:29 am

      Mà kiểu đa phần đứa nào ở đoạn 20s cũng cảm thấy giống v. Qua 30s thì nhận ra, thật ra đếch cần phải quan tâm đến ngta nói gì.

      1. miomieblog

        May 8, 2024 at 4:37 pm

        Người ta nói bộ não của con người tới khoảng gần 30 tuổi mới phát triển toàn diện. Chị không biết có phải thật vậy không mà mấy đứa teen với twen hay cảm thấy đủ thứ vấn đề từ những chuyện mà sau này nhìn lại thấy chẳng có vấn đề gì hết á.

Leave a Reply