Miomie

Tản mạn vu vơ

Xem - Nghe - Đọc

Melancholia (2021)/ Phương trình tình yêu/ Góc khuất học đường

Chọn xem bộ phim này không gì khác hơn ngoài poster hợp ý của nó để rồi sau đó bắt gặp nhiều trùng hợp gợi nhớ đến thời đi học. Một tình cờ thú vị!

  1. Melancholia

Tên tiếng Anh của phim được theo tên bức tranh mà cô giáo Ji Yoon Soo giới thiệu cho cậu học trò Baek Seung Yoo trong quá trình mang cậu trở lại với niềm đam mê toán học sau một cú sốc tâm lý đau buồn.

Trong phim, cô Yoon Soo chỉ nói ngắn gọn về bức hình ở khía cạnh “sự sầu muộn”, đúng như ý nghĩa của từ melancholia trong tiếng Anh. Kỳ thực, đây là bức tranh khắc Melencolia I, một trong những tác phẩm nổi bật của hoạ sỹ người Đức sống ở thế kỷ 15-16 Albrecht Dürer. Mình biết đến nó qua môn Lịch sử các hình ảnh được in ấn hồi học ở St-Luc.

Điều đặc biệt ở đây là, bên cạnh thân phận một hoạ sỹ tài danh, Dürer còn là một nhà nghiên cứu toán học. Trải qua nhiều thế kỷ, Melencolia I được gắn với nhiều ý nghĩa liên quan đến Toán học, Thiên văn học, quá trình sáng tạo nghệ thuật, sự chữa lành … khiến người đời sau không ngừng muốn diễn giải về nó.

2. Phương trình tình yêu

Tên Việt hoá của bộ phim là như thế, vì phim nói về những nhà toán học. Nếu là mình, mình sẽ đặt là “Mệnh đề tình yêu” chứ không phải “phương trình”. Giải phương trình là tìm ra ẩn số, còn trong phim, các nhân vật luôn lập đi lập lại từ “chứng minh chứng minh” nên có lẽ gọi là mệnh đề thì hợp lý hơn.

Cái không khí hối hả giải đề toán, hết bài này sang bài khác trong phim làm mình nhớ tới thời học chuyên toán từ lớp 4 tới lớp 12. Cái cách mà bộ phim lý giải tại sao “người ta” lại thích làm toán mình thấy rất đúng với bản thân hồi cấp 1, cấp 2. Mặc dù “người ta” trong phim ý muốn nói đến các nhà toán học chuyên nghiệp còn mình khi ấy chỉ là một đứa nhóc tầm thường, chẳng hề có năng khiếu gì về toán cả. Tại sao hồi nhỏ mình thích làm toán ư? Vì nó đem lại cảm giác rất kích thích. Mỗi lần giải xong là “on top of the world” luôn. (Ngoài lề xíu, tại sao mình thích vẽ ư? Vì mỗi lần vẽ xong thấy như “on heaven” ấy. Mặc dù mình vẽ thay làm toán đều rất cực nhọc chứ chẳng giỏi giang gì. Thế nhưng cảm giác khi hoàn thành rất là xứng đáng)

Trong số bạn bè chuyên toán của mình ngày ấy, rốt cuộc cũng có 1 người trở thành dân làm toán chuyên nghiệp. Tạm gọi là anh X đi. Anh X vốn dĩ có một cái tên rất đẹp, rất ngắn gọn dễ nhớ và nhất là cái tên ấy cứ xuất hiện 100% không sót kỳ nào trong danh sách bạn đọc giải được bài trên tạp chí Toán học và tuổi trẻ nên mình không thể không để ý. Thế rồi năm lớp 10 thi đậu vào trường chuyên mình cũng gặp được X ngoài đời thực. Chẳng đâu xa, cũng chuyên toán (hẳn nhiên rồi), hơn mình chỉ một lớp nên phòng học ngay kế bên. Trường chuyên thi nhiều, thi tùm lum đủ các cấp độ quanh năm suốt tháng, mà mỗi lần thi xong tên anh X luôn luôn xếp đầu bảng, kế bên luôn là con số 10 tròn trĩnh, có khi bỏ xa người hạng nhì rất nhiều điểm. Kết quả về toán của anh X hoàn hảo tới nỗi trong trường chỉ cần nhắc tên X thì mấy đứa khác sẽ hỏi “X nào? X 10 điểm đó hả?” Vâng, “X.10.điểm” là tên của anh.

Anh X ít nói kinh khủng khiếp, gần như chẳng ai nghe anh nói bao giờ. Giữa mình và anh X có một vài kỷ niệm. Một trong những câu đầu tiên khi trò chuyện với anh X là: Mình: Em thấy tên anh trên báo Toán học và tuổi trẻ. X: Còn anh thấy tên em trên danh sách thi đậu vào trường. Lúc đó nghe vậy sướng chết đi được, bởi vì “trên danh sách thi đậu vào trường” mình xếp đầu bảng. Ờ mà không phải bảng bên chuyên toán. Sự đời là mình được thủ khoa chuyên Anh còn bên Toán phải luyện thi bở hơi tai mới đậu. Vậy mà vẫn xách cặp vô lớp toán, kết quả là be bét cả Toán lẫn Anh. Về vụ này bây giờ tự hỏi có hối hận không thì mình cũng không biết. Vì nhờ học chuyên toán mà có được đám bạn bè ngày nay.

Hồi ở trong trường, anh X chẳng đặc biệt thân thiết với ai, luôn đi một mình. Thế nhưng có một bí mật mà có lẽ chỉ mình mình biết. Đó là, bên cạnh làm toán, anh còn làm thơ gởi đăng báo học trò với một cái bút danh sến rện. Mình làm cộng tác viên cho tờ báo đó, cuối bài thấy ghi “lớp 11 Toán trường ABC” là đoán ra ngay. Hỏi anh X thì anh cũng nhận, còn dặn mình đừng nói ai nghe. Nhiều lần mình tự hỏi không biết sau này bạn đồng hành của anh X sẽ là người như thế nào. Sau mười mấy năm thì câu trả lời cũng xuất hiện: “là người có thể cùng làm toán với nhau”. Nghe cũng có vẻ hiển nhiên nhỉ. Đâu cần chờ mười mấy năm mới biết. Năm 32 tuổi, anh X kết hôn với học trò của mình. Một cô bé kém anh 10 tuổi, thành viên đội tuyển Olympic toán sinh viên mà anh dẫn dắt. Cái này thì giống như phim nè, cặp đôi cậu học trò – cô giáo yêu nhau và điều gắn kết họ chính là những bài toán.

Câu hỏi thỉnh thoảng đặt ra: “Anh X có còn làm thơ?”.

3. Góc khuất học đường

Một tựa Việt hoá khác của phim. Tựa này cũng nói lên được phần nào nội dung chính của kịch bản. Thời đi học, mình cũng gặp nhiều. Mà thôi, mấy chuyện tiêu cực giáo dục này không nên tốn điện để gõ ra nữa. Kết thúc notes ở đây được rồi. Đang không có thời gian để vẽ job và ngủ mà lại bị cuốn vào cái phim dài 16 tập rồi ký ức học đường với cả blốc bliếc thế này …

Share this:

2 Comments

  1. vitbeou

    March 5, 2022 at 8:41 am

    cái phần kết luận giống mình hiện giờ ghê, hehe.

Leave a Reply to Melancholia (2021) – MiomieCancel reply